#3. Đặc điểm của em bé mới sinh trong 24h đầu tiên
Hiểu rõ những đặc điểm trong vòng 24 giờ đầu tiên của em bé mới sinh giúp cha mẹ chuẩn bị sẵn sàng và yên tâm hơn trong quá trình chăm sóc em bé mới chào đời.
Trong 24 giờ đầu tiên sau khi em bé chào đời, bé sẽ trải qua những thay đổi quan trọng để thích nghi với sự thay đổi môi trường từ trong bụng mẹ ra bên ngoài.
Việc hiểu rõ những đặc điểm của trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu như cân nặng, hình dáng, nhiệt độ cơ thể và các mốc phát triển quan trọng có thể giúp cha mẹ đánh giá sự phát triển của con mình và yên tâm hơn trong ngày đầu tiên gặp con yêu.
1. Mốc phát triển quan trọng trong giờ đầu tiên của em bé mới sinh
Em bé mới sinh trải qua một loạt mốc phát triển quan trọng để thích nghi với môi trường bên ngoài bụng mẹ và bắt đầu hành trình tự ăn, tự thở của bé.
Có 8 mốc quan trọng nhất trong sự phát triển hoạt động của bé ngay sau khi sinh mà cha mẹ cần chú ý:
Ngay Lập Tức Sau Khi Sinh: Trẻ sẽ khóc để làm sạch phổi và lấy không khí vào cơ thể.
2 Phút Sau Khi Sinh: Trẻ thư giãn và trấn tĩnh hơn sau khi khóc.
2,5 Phút Sau Khi Sinh: Bé mở mắt lần đầu tiên, cử động đầu và chóp chép miệng.
8 Phút Sau Khi Sinh: Bé sẽ chuyển động nhiều hơn, chân tay cử động qua lại. Bé có cảm giác đói và đưa tay tới gần miệng.
18 Phút Sau Khi Sinh: Trẻ sẽ yên tĩnh hơn vì đang nghỉ ngơi.
36 Phút Sau Sinh: Bé bắt đầu tìm kiếm bầu vú mẹ để bú. Lúc này mẹ cho bé bú.
62 Phút Sau Sinh: Bé nên được bú mẹ càng nhiều càng tốt để kích thích tuyến sữa của mẹ hoạt động. Đồng thời khi bé bú mẹ cũng giúp cổ tử cung của mẹ sớm trở về vị trí ban đầu.
70 Phút Sau Khi Sinh: Em bé có giấc ngủ chính thức đầu tiên.
Lưu ý rằng các mốc thời gian này có thể biến đổi tùy thuộc vào từng trẻ.
2. Đặc điểm của em bé sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu
Trong những giờ đầu sau khi sinh, trẻ sơ sinh trải qua quá trình thay đổi nhiệt độ và trọng lượng so với môi trường trong bụng mẹ.
2.1. Cân nặng của em bé mới sinh
Trẻ sơ sinh đủ tháng thường có cân nặng khoảng 2,9 - 3,8kg.
Da của bé thường đỏ hồng, tươi sáng.
Ngay sau khi sinh bé có thể khóc rất to.
2.2. Hình dáng của em bé mới sinh
Đầu của bé có thể bị méo hoặc dài hơn một chút sau quá trình chuyển dạ do lực kéo đẩy trong lúc chuyển dạ (với sản phụ sinh thường). Với sản phụ sinh con lần đầu hoặc sản phụ lớn tuổi thì đầu bé thường méo nhiều hơn.
Tuy nhiên, trong vòng 2 - 3 tuần sau đó, đầu bé sẽ trở lại bình thường và tự nhiên nên cha mẹ không cần quá lo lắng.
Khi mới sinh, khuôn mặt của bé thường bị sưng hơn, nhất là phần mí mắt. Một số trẻ có thể có gỉ mắt, nếu tình trạng nặng các bác sỹ và y tá sẽ tiến hành việc nhỏ thuốc sát khuẩn cho bé.
Mũi của trẻ cũng thường thấp hơn so với bình thường. Tuy nhiên, mũi của bé sẽ cao dần khi con lớn lên.
2.3. Việc đi vệ sinh của em bé mới sinh
Việc ị và tè đầu tiên của bé thường xuất hiện trong vòng 24 giờ đầu đời. Tuy nhiên một số bé có thể bắt đầu muộn hơn.
Bé thường tiểu màu hồng gạch do có muối từ axit uric.
Phân của bé có thể màu tro hoặc màu xanh rêu, gian dân thường gọi là phân xu.
Đây đều là các dấu hiệu hoàn toàn bình thường ở em bé mới sinh nên cha mẹ hãy yên tâm nhé!
2.4. Vùng kín của em bé mới sinh
Vùng kín của em bé mới sinh thường sưng và đỏ hơn sau khi mới sinh.
Ở bé gái, có thể có một chút dịch âm đạo màu trắng hoặc kết hợp với một chút máu. Điều này là do bé tiếp xúc với hormone của mẹ trong quá trình sinh nở và hoàn toàn bình thường.
2.5. Dáng nằm của em bé mới sinh
Trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu thường ngủ rất nhiều.
Đọc thêm: 72 giờ đầu của em bé sơ sinh để hiểu rõ hơn về nhu cầu ăn ngủ của bé trong 3 ngày đầu tiên.
Em bé sơ sinh thường giữ tư thế ngủ cuộn tròn, hơi co lại, cằm kéo sát vào ngực, và tứ chi co lại về phía người giống như khi bé còn trong bụng mẹ.
2.6. Da của em bé mới sinh
Sau khi bé được tắm lần đầu, bạn có thể thấy da của bé còn bám gây.
Da bé khi mới sinh thường nhăn nheo do ở lâu trong môi trường nước ối.
Da bé có một vài đốm đỏ cỡ hạt gạo trên cơ thể, thường ở cổ, mũi, mí mắt.
Lưng hoặc mông bé có thể có vết bớt xanh lớn.
Những đặc điểm này sẽ biến mất khi bé lớn hơn và không cần lo lắng về chúng.
2.7. Thân nhiệt và hô hấp của em bé mới sinh
Khi mới ra đời, bé chưa có mồ hôi và không thể chảy nước dãi vì các tuyến này chưa hoạt động.
Nhiệt độ cơ thể của em bé mới sinh sẽ bằng với nhiệt độ của mẹ, sau đó sẽ giảm xuống khoảng 1 - 3°C.
Khoảng 8 tiếng sau khi chào đời, nhiệt độ cơ thể của trẻ sẽ tăng lên, thường ở mức 36,8 - 37,2°C.
Bé thở khoảng 34 - 35 lần/phút và nhịp tim đập khoảng 120 - 130 lần/phút.
2.8. Thị lực của em bé sơ sinh:
Trong 24 giờ đầu đời, mắt của trẻ chưa phát triển hoàn toàn, con chỉ có thể nhìn rõ được các vật ở khoảng cách rất gần.
Trẻ mới sinh chỉ có thể nhìn thấy hai màu cơ bản là đen và trắng.
Thị lực của bé sẽ dần dần phát triển trong thời gian sau này.
Đọc thêm bài: Sự thật về thị giác của trẻ sơ sinh
3. Chăm sóc em bé sơ sinh trong 24 giờ đầu
3.1. Da kề da ngay sau khi sinh:
Ngay sau khi sinh và mẹ hoàn toàn tỉnh táo, mẹ có thể thực hiện việc tiếp xúc da kề da với bé. Trong một số trường hợp mẹ sinh mổ hoặc có sử dụng thuốc trong quá trình sinh khiến mẹ chưa tỉnh táo hoàn toàn, mẹ có thể nhờ tới sự trợ giúp của y tá và hộ sinh để đảm bảo việc da tiếp da được an toàn.
Tiếp xúc da kề da (skin to skin) giữa bé và mẹ ngay sau khi sinh mang lại rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé:
Da tiếp da giúp bé tránh hạ thân nhiệt và suy hô hấp. Đồng thời, em bé có xu hướng ít khóc hơn và bú sữa mẹ nhiều hơn.
Đối với người mẹ, việc tiếp xúc da kề da giúp mẹ giảm đau ngực sau sinh và giảm căng thẳng, lo lắng.
3.2. Cho bé sơ sinh bú mẹ sớm:
Việc cho trẻ bú mẹ trực tiếp càng sớm càng tốt giúp kích thích tuyến sữa của người mẹ hoạt động hiệu quả.
Hãy trao đổi với bác sỹ - y tá của bạn trước khi sinh về mong muốn được cho bé bú mẹ trực tiếp kết hợp với da kề da ngay sau khi sinh càng sớm càng tốt để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất.
Việc này có lợi cho cả bé và mẹ
Giúp kích thích tuyến sữa hoạt động, gọi sữa về.
Giúp mẹ tránh tình trạng cương sữa và tắc sữa sau sinh.
Sữa non trong 72h sau sinh mang rất nhiều giá trị dinh dưỡng và đề kháng cho em bé sơ sinh, cũng như có lợi cho hệ tiêu hóa non trẻ của bé.
Đọc thêm: Sữa mẹ sau sinh
3.3. Bổ sung Vitamin K và tiêm chủng ngay sau sinh:
Trẻ sơ sinh cần bổ sung Vitamin K trong vòng 6 giờ sau khi sinh để giúp đông máu.
Ngay sau sinh, bé cũng cần được tiêm phòng viêm gan B.
Điều này giúp bảo vệ bé khỏi các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như nguy cơ bị xuất huyết ngoài da, cuống rốn, màng não và não.
3.4. Tư thế bế và môi trường nằm ngủ cho bé mới sinh
Cấu trúc đường thở của trẻ sơ sinh rất mềm và hẹp, do đó cha mẹ và người chăm sóc cần chú ý khi bế bé tránh che vào đường thở của con, bế lên đặt xuống nhẹ nhàng, tránh rung lắc mạnh.
Tư thế bế bé bú mẹ cũng cần được chú ý để đảm bảo bé bú đúng khớp ngậm, bé nằm thoải mái, bú hiệu quả, và mẹ không bị đau, mệt mỏi khi cho bé bú thời gian dài.
Đặc biệt môi trường ngủ của bé nên được chuẩn bị an toàn, thông thoáng, sạch sẽ, trong chỗ bé ngủ không nên để các vật dụng, đồ đạc có thể gây nguy cơ chặn đường thở của bé như khăn, chăn gối, thú bông, bao nilon..
Trẻ sơ sinh thoát nhiệt qua đường đầu, vì vậy cha mẹ không nên đội mũ nón, che thóp bé quá kỹ khiến cản trở quá trình thải nhiệt cơ thể của con.
3.5. Theo dõi việc bé mới sinh đi vệ sinh
Với trẻ bình thường, việc ị và tè sẽ xuất hiện sau khoảng 6 - 8 tiếng sau khi sinh. Một số trẻ có thể đi vệ sinh lần đầu trễ hơn 24h sau sinh.
Nếu sau 24 giờ chào đời mà bé chưa đi ị, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo bé đang phát triển một cách bình thường.
Việc hiểu rõ các đặc điểm và mốc phát triển trong 24 giờ đầu đời của em bé mới sinh giúp cha mẹ tự tin và chuẩn bị tốt hơn cho việc chăm sóc trẻ trong giai đoạn này quan trọng.
Để được tư vấn và đồng hành cùng bé ngay từ những ngày đầu sau sinh, đảm bảo bé được ăn hiệu quả - ợ hơi kỹ - ngủ ngon giấc và phát triển khỏe mạnh, cha mẹ có thể liên hệ với EM BÉ EASY để có giải pháp phù hợp nhất nhé!