#4. SỰ THẬT VỀ THỊ GIÁC Ở TRẺ SƠ SINH (P1)
Trong số 5 giác quan (bao gồm: thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác) thì thị giác chính là giác quan phát triển chậm nhất ở trẻ sơ sinh.
Thị giác của trẻ sơ sinh là giác quan phát triển chậm nhất
Chỉ vài tiếng sau khi chào đời, thính giác của trẻ đã hoàn thiện đến mức có thể giúp trẻ phát hiện và quay mặt về hướng có âm thanh. Trẻ có thể phân biệt được âm lượng và các tần số khác nhau, đặc biệt là việc nhận ra giọng nói của người mẹ.
Về vị giác, trẻ sơ sinh từ lâu đã được biết là thích vị ngọt và có thể cảm nhận được thêm 3 vị bao gồm mặn, chua và đắng.
Xúc giác trẻ cũng đã phát triển đến mức cảm nhận được với những cú chạm, sự thay đổi nhiệt độ và trẻ đã biết đau.
Về mặt khứu giác, những đứa trẻ sơ sinh đã nhận ra được mẹ mình bằng mùi của vú và vùng nách. Trẻ cũng sẽ trốn mặt hoặc quay lưng lại khi có những mùi khó chịu xuất hiện (một ông bố hút thuốc lá chẳng hạn).
Tuy nhiên, riêng về thị giác thì sự phát triển tỏ ra rất hạn chế. Trong suốt 2 tuần đầu, trẻ ít khi mở mắt.
Những thí nghiệm thú vị trong lịch sử tiết lộ 5 SỰ THẬT ít biết về thị giác trẻ sơ sinh.
1. Các em bé mới sinh đều bị "Khiếm thị"
Có thể bạn chưa biết, vào thời điểm chào đời mọi đứa trẻ đều bị coi là “mù chức năng”. Đó là bởi các tế bào cảm quang hình nón và hình que ở mắt chúng ta vẫn chưa được kết nối với não bộ. Những tế bào này nằm ở võng mạc giúp chúng ta cảm nhận được màu sắc và ánh sáng.
Về cơ bản, chúng giống với những điểm cảm biến trong máy ảnh. Khi chưa được kết nối với não bộ, mắt của những đứa trẻ sơ sinh giống với một chiếc máy ảnh trong lần đầu "đập hộp" mà chưa lắp pin và thẻ nhớ.
Năm 1998, nhà khoa học người Mỹ Philip Kellman đã làm một nghiên cứu để xác nhận tầm nhìn của những đứa trẻ sơ sinh chỉ đạt 20/600. Điều đó có nghĩa là trẻ khi mới chào đời chỉ có thể nhìn thấy ở khoảng cách 20-30cm so với những gì mà một người trưởng thành nhìn thấy ở khoảng cách 180-200cm.
Theo định nghĩa lâm sàng, 20/200 được coi là ngưỡng mù, bởi vậy, mọi đứa trẻ sơ sinh khi chào đời đều bị coi là “mù chức năng”.
Phải đến 6 tháng tuổi, thị lực của trẻ mới phát triển đến ngưỡng 20/100 và đến 12 tháng tuổi, trẻ mới đạt được thị lực như một người trưởng thành.
Nhưng điều đó không có nghĩa là trong 1 năm đầu đời, thị giác của trẻ hoàn toàn là vô dụng. Từ những năm giữa thế kỷ 20, các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu sự phát triển trong thị giác của trẻ sơ sinh.
Điều đầu tiên mà họ phát hiện ra được, đó là trẻ rất nhạy cảm với ánh sáng. Sự nhạy cảm với ánh sáng đã cho phép trẻ phát hiện các vật thể di chuyển chậm trong tầm nhìn hạn chế của mình, đặc biệt là các vật thể có độ tương phản cao và độ phức tạp vừa phải.
Mặc dù vậy, thế giới của một đứa trẻ sơ sinh không phải chỉ có đen và trắng. Các nhà khoa học cho biết trẻ dưới 2 tháng tuổi đã có thể cảm nhận được màu sắc, có điều, chúng sẽ gặp khó khăn để phân biệt một số màu với nhau, bao gồm trắng, vàng, xanh da trời và xanh dương.
Cho đến 2-3 tháng tuổi, trẻ mới phân biệt được tất cả các màu sắc cơ bản.
Và đến 4 tháng tuổi, trẻ sẽ có thể tập hợp các đồ vật cùng màu nhưng đậm nhạt khác nhau vào mỗi nhóm: xanh da trời, xanh lá, vàng và đỏ.
2. Lý do trẻ sơ sinh thấy hấp dẫn với những khuôn mặt?
Có một sự thật rằng trẻ sơ sinh thường bị hấp dẫn bởi những khuôn mặt. Bạn có thể lắc lư đầu mình trong khi chơi đùa với một đứa trẻ, và bé sẽ cực kỳ thấy thích thú.
Thí nghiệm về sự hứng thú của trẻ sơ sinh với các hình vẽ mặt người
Năm 1961, một nhà khoa học người Mỹ có tên là Robert Lowell Fantz đã thực hiện một thí nghiệm thị giác để giải thích hiện tượng này. Ông cắt 1 tấm bìa in hình vẽ mặt người (A), một tấm bìa khác cũng là hình mặt người nhưng với mắt, mũi, tóc tai đảo lộn (B) và một tấm bìa trống dường như chỉ có mái tóc đơn giản (C).
Những tấm bìa được đưa qua lại trước mắt những đứa trẻ sơ sinh chỉ vài phút tuổi cho đến 5 tuần tuổi, để xem chúng thích tấm bìa nào nhất. Kết quả chỉ ra những đứa trẻ đã bị thu hút, chúng dõi mắt và ngoái đầu với cả hai miếng bìa có hình mặt người bình thường (A) và mặt người với ngũ quan đảo lộn (B).
Từ thời điểm 4 ngày tuổi cho tới 2 tháng tuổi, trẻ càng có xu hướng bị kích thích bởi hình mặt người nhiều hơn, trong khi miếng bìa có khối đen trắng ngày càng bị bỏ qua.
Điều này chứng tỏ trẻ sơ sinh chỉ vài phút tuổi đã có thể theo dõi kích thích thị giác bằng mắt và đầu, và chúng thể hiện sự ưu tiên hơn với những thứ có hình khuôn mặt của con người.
Tại sao trẻ sơ sinh lại có phản xạ ưu tiên này?
Một khả năng, nó là tàn dư thích nghi trong lịch sử tiến hóa của chúng ta. Phản xạ được điều khiển bởi các khu vực dưới vỏ não, hướng trẻ sơ sinh đến phía những người chăm sóc và thúc đẩy các tương tác xã hội.
Một giải thích khác đơn giản hơn, đó là trẻ thích nhìn vào các mẫu hình có độ tương phản cao, với nhiều ranh giới sắc nét giữa các vùng sáng và tối. Khuôn mặt người, kể cả khi các ngũ quan bị xáo trộn, đều đáp ứng với các điều kiện này, khiến chúng trở thành đối tượng thu hút sự chú ý của trẻ.
Ngoài ra, các thí nghiệm phân tích cũng cho thấy trẻ thích các mẫu hình có độ cong và độ phức tạp vừa phải. Có thể là vì ở thời điểm dưới 2 tháng tuổi, thị giác của trẻ chưa phát triển đủ để đạt được đến độ phân giải chi tiết rõ ràng.
Còn khuôn mặt người cũng đáp ứng được các điều kiện về độ phân giải và độ cong, trong khi nhiều hình dạng khác không thể.
Ví dụ như hình vẽ dưới đây mô phỏng những gì mà một đứa trẻ dưới 2 tháng tuổi nhìn thấy:
Theo dõi EM BÉ EASY LIBRARY để đón đọc Phần 2 và cùng tìm hiểu về:
3. Thời điểm trẻ bắt đầu có các suy luận về hình ảnh
4. Khi nào trẻ nhận thức được về không gian 3 chiều?
5. Liệu trẻ biết bò có thản nhiên bò ra mép giường hay mép cầu thang?
Nếu bạn thấy những thông tin này hữu ích, hãy chia sẻ tới bạn bè của mình để lan tỏa kiến thức nuôi dạy con khoa học cùng Thư viện EM BÉ EASY nhé!